Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Bi an Champa tai hien giua long Ha Noi

GiadinhNet - Lần đầu tiên, một bộ sưu tập quý những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của nền văn hóa Chămpa xưa được đưa ra trưng bày tại Hà Nội.

Bức phù điêu rắn Naga huyền bí, phù điêu nữ thần Sarasvati, tượng thần Shiva, phù điêu mặt nạ hay tác phẩm điêu khắc phồn thực Linga và Ioni… vốn chỉ có ở trong những tòa tháp Chăm ở miền Trung nước ta hoặc ở một số bảo tàng.
Lần đầu tiên, một bộ sưu tập quý những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của nền văn hóa Chămpa xưa được đưa ra trưng bày tại Hà Nội trong "nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng" bên bờ hồ Hoàn Kiếm những ngày đầu xuân.

Điêu khắc Chămpa rất ít có khung cảnh chung mà nhấn mạnh vào từng hình tượng. Ảnh: PV

Những phong cách mang tên… Tháp!

Hàng chục tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trong các ngôi tháp cổ của nền văn hóa dân tộc Chăm lần đầu tiên được trưng bày phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người Hà Nội và du khách nước ngoài.

Du khách đến triển lãm trong những ngày đầu xuân đều bị "hớp hồn" bởi những tác phẩm điêu khắc bằng cả chất liệu đất nung và đá sa thạch xếp thành hàng dài, ngay phía dưới những bức họa nổi danh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Nguyễn Dung...
Những tác phẩm nghệ thuật ấy đã trải dài suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ II đến thế kỷ XV, với sự ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ, ảnh hưởng từ Chân Lạp, ảnh hưởng Gia Va và cả những ảnh hưởng từ nghệ thuật Ăngco.
Sự giao thoa ấy đã tạo nên những phong cách mới trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, như phong cách của tháp Mẫm là ảnh hưởng từ nghệ thuật Ăngco, phong cách Trà Kiệu chịu ảnh hưởng của văn hóa Gia va, ảnh hưởng của Chân Lạp thể hiện trong phong cách của tháp Mỹ Sơn E1... và vô số những phong cách nghệ thuật phong phú khác như phong cách Bánh Ít, phong cách Bình Nghi, phong cách Hòa Lai, phong cách Muộn. Mỗi phong cách đều gắn với tên của một tòa tháp cổ độc lập với họa tiết, thiết kế đậm nhạt khác nhau. Ví như tác phẩm điêu khắc mang phong cách tháp Mẫm thường đi về chi tiết nhiều hơn phong cách của tháp Dương Long.

Ấn tượng nhất trong dãy dài những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được trưng bày lần này chính là bức phù điêu rắn Naga. Bức phù điêu có kích thước khá lớn, cao tới 1,1 mét, vốn là điêu khắc mình rắn đầu chim được tìm thấy ở tháp Bình Nghi. Hay bức tượng nữ thần Sarasvati - nữ thần của kiến thức, âm nhạc và nghệ thuật, là vợ của thần Brahma.
Sarasvati thường hay xuất hiện trong nghệ thuật tranh, tượng và thần thoại như một vị nữ thần duyên dáng, cưỡi trên lưng ngỗng Hamsa hay ngồi trên một đài sen, có bốn vật cầm tay gồm : quyển sách - biểu tượng của học thuật và viết lách, đàn vina - sự am hiểu về nghệ thuật, chuỗi tràng hạt pha lê - sức mạnh tinh thần và lọ nước thiêng - năng lực của sáng tạo và thanh tẩy.
Nguyên thủy Sarasvati còn là nữ thần của sông ngòi, tượng trưng cho sự màu mỡ, tốt tươi và thịnh vượng. Bức phù điêu này mang phong cách của tháp Mẫm với mô típ cực kỳ độc đáo là mô típ núm vú. Các núm vú được tạo tác căng, mịn màng trông cứ như thật, có phần sỗ sàng, táo bạo. Người xem lần đầu thường cứ ngỡ ngàng nhìn, nhưng điều đặc biệt là kiểu trang trí, tạo tác ấy không hề gợi nên một ý niệm sắc dục, mà chỉ có sự sống, một niềm khao khát mãnh liệt cuộc sống.
Một loạt các bức phù điêu và tượng mang phong cách tháp Mẫm cũng được trưng bày phục vụ khách du xuân đầu năm như bức phù điêu Tu sĩ, đầu tượng bằng đá sa thạch, đầu tượng thần Shiva, cánh tay thần Shiva... Những họa tiết hoa lá trên các tác phẩm điêu khắc ở tháp Mẫm bao giờ trông cũng sinh động lạ thường, những đường xoắn mãnh liệt, dồn dập kết thúc bằng những xoáy chôn ốc nổi cao lô xô như những cột sóng dồn.

Hay những bức phù điêu mang phong cách tháp Trà Kiệu thì giống Mỹ Sơn ở vẻ tự nhiên, sống động nhưng điêu khắc ở tháp Trà Kiệu trông trau chuốt, thanh tú hơn, trầm tĩnh hơn. Giáo sư Cao Xuân Phổ từng ví nghệ thuật tháp Trà Kiệu là nghệ thuật Mỹ Sơn E1 được trí tuệ hóa. Trong khi đó, những tác phẩm điêu khắc mang phong cách tháp Đồng Dương thì lại mãnh liệt, dữ dằn.

Một số tác phẩm điêu khắc Chăm được trưng bày tại bảo tàng.
Ảnh: P.V

Tín ngưỡng phồn thực…

Tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm đằng đẵng theo anh Nguyễn Ngọc Hạnh di chuyển khắp nơi trong thành phố Hà Nội rộng lớn khi mỗi lần chuyển thuê nhà mới. Sau 6 năm thuê nhà, giờ anh mới có được một ngôi nhà riêng với căn phòng rộng để thỏa chí bày biện những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp. Những tòa tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao hoặc vị trí đất cao, vì thế mỗi vị trí đất thì điêu khắc có những màu sắc khác nhau tạo nên sự phong phú đến không ngờ khi bày biện chúng cùng trong một không gian chiêm ngưỡng…

Những bức phù điêu Linga và Ioni được trưng bày lần này cũng gây "sốc" với những du khách chưa có dịp tìm hiểu kỹ về nghệ thuật dân tộc Chăm. Đó là "cặp đôi" không bao giờ tách rời trong các tác phẩm điêu khắc Chămpa, Linga là tượng trưng của dương vật và Ioni là biểu tượng của âm vật.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ở Đông Nam Á, không có nơi nào Linga và Ioni lại được thể hiện đến mức da diết như trong các tác phẩm điêu khắc Chăm. Mỗi dãy Linga thường có 5 hoặc 7 cột, có cột cao tới gần 1 mét, có cột cao ngất ngưởng trên bệ cao gần 2 mét. Linga thường tự phân làm 3 đoạn: chân vuông, thân 8 cạnh đầu tròn có gân như hình tượng cụ thể của nó; còn Ioni - biểu tượng cho người phụ nữ thường là một khay đá hình vuông, chữ nhật hoặc tròn có vòi và rãnh cho nước thoát. Đó cũng chính là biểu tượng của sinh sôi, ước vọng tái tạo.
Điều đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc độc lập này cũng không hề gợi nên ý niệm sắc dục cho người xem, mà chỉ gợi một niềm khao khát mãnh liệt cuộc sống, khao khát đến cuồng say. Phù điêu theo tín ngưỡng phồn thực này thường được đặt thờ trang trọng ngay chính giữa tháp Chăm xưa.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trong bộ sưu tập hiếm hoi giữa lòng Hà Nội được đưa ra trưng bày lần này, đều mang những dáng vẻ, sắc thái khác nhau. Tượng tu sĩ thì có dáng ngồi trầm tư, bất động, mắt nhìn thẳng, nét mặt thanh thản như đang hướng vào chiều không gian bất tận; nữ thần Sarasvati múa thì lại sôi động tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, hai chân khuỳnh ngang, chân nhón gót như đang quay tròn theo nhịp điệu của âm nhạc.
Với các tượng động vật như voi, sư tử, bò trần thế hay thần thoại đều được đeo đồ trang sức đầy mình, được trang trí tỉa tót từ đầu đến đuôi. Những bức tượng thú này trông có lúc hiền lành, đôn hậu, có lúc đầy vẻ tinh nghịch, có lúc làm ra bộ dữ dằn như muốn đe dọa hay biểu lộ quyền uy vô biên. Hay bức trang trí bệ thờ là một bức chạm tả cảnh những người trong điệu múa khăn với dải lụa uốn mình uyển chuyển.

Đặc trưng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chămpa là xu hướng tiến đến tượng tròn trên gần như tất cả các tác phẩm phù điêu. Nhân vật của điêu khắc Chăm thường tách rời, độc lập với nhau, gần như là những tượng tròn riêng biệt tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, độc đáo cho người xem.
Điêu khắc Chămpa rất ít có khung cảnh chung mà nhấn mạnh vào từng hình tượng, ví dụ như bức phù điêu tiên nữ Apsara đang múa được tìm thấy ở tháp Trà Kiệu thể hiện bàn tay to, cánh tay cong hay cánh tay thần Shiva mang đặc trưng riêng biệt của phong cách tháp Mẫm. Nghệ thuật điêu khắc của Chămpa mang tính ấn tượng nhiều hơn là tả thực, đó là đặc điểm quan trọng tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt cho nghệ thuật điêu khắc cổ này.

Một tác phẩm điêu khắc Chăm giàu tính tượng trưng. Ảnh: PV


Chỉ mua chứ không bán!

Chủ nhân của bộ sưu tập độc đáo giữa lòng Hà Nội ấy chính là Nguyễn Ngọc Hạnh, một người đàn ông trung niên quê gốc Bình Định - ngay giữa cái nôi văn hóa Chăm xưa. Những vị khách lần đầu tiên đến nhà anh chiêm ngưỡng căn phòng đầy ắp những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thì đều nghĩ hẳn chủ nhà là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng thực chất, anh lại là "dân" công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Anh bảo, theo đuổi niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc Chăm giống như một cái "duyên" đeo đẳng anh suốt thuở thiếu thời.
"Tôi sinh ra và lớn lên xã Nhân Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, vốn là cái nôi văn hóa Chăm xưa với hàng chục ngôi tháp cổ nhuốm màu rêu phong như tháp Dương Long, tháp Bánh Ít, tháp Bình Nghi, tháp Bình Lâm, tháp Mẫm... Ấy là nơi nhiều tháp nhất Việt Nam hiện nay. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi cứ ra khỏi nhà đi chơi thì bao giờ cũng túm năm tụm ba chơi ở những tòa tháp ấy. Tôi bắt đầu thích cái màu gạch nung, thích những nét rêu phong cổ kính, thích ngắm nhìn những hạt cát nhỏ li ti quện thành đá sa thạch", chủ nhân bộ sưu tập đặc biệt kể.

Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm đằng đẵng theo anh di chuyển khắp nơi trong thành phố Hà Nội rộng lớn khi mỗi lần chuyển thuê nhà mới. Sau 6 năm thuê nhà, giờ anh mới có được một ngôi nhà riêng với căn phòng rộng để thỏa chí bày biện những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp. "Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc này tuy trông bề ngoài không bóng bảy hay lộng lẫy như đồ gốm, đồ ngọc, đồ sơn thếp vàng nhưng chúng có giá trị lịch sử cao. Những tác phẩm còn lại cho đến nay không nhiều nên việc tìm mua rất khó, đã bán đi rồi thì không thể mua lại được nữa nên gần 20 năm sưu tầm tôi chưa hề bán đi tác phẩm điêu khắc nào cả", chủ nhân bộ sưu tập độc đáo chia sẻ.
Bí ẩn chờ giải mã

Về kiến trúc và điêu khắc Chăm cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu chưa kết luận được. Thứ nhất là vật liệu làm vữa để liên kết các viên gạch xây nên tháp là bằng chất gì? người Chăm xưa đã xây dựng những ngôi tháp đồ sộ đó như thế nào? Điều bí ẩn thứ hai là tài nghệ chạm khắc trên gạch, những tường tháp dầy đặc những hình chạm khắc tinh tế như những bàn tay có phép màu của những nghệ sỹ Chăm xưa. Không biết người Chăm xưa xây tháp xong mới khắc chạm hay chạm trổ trước từ gạch non mới ghép lại xây nên?

Một số nhà khoa học chia nghệ thuật kiến trúc Chăm thành 3 nhóm, nhóm 1 là những tháp được xây dựng từ thế kỷ IX với hai phong cách Hòa Lai và Đồng Dương. Nhóm 2 là nhóm xây dựng thế kỷ X với phong cách Mỹ Sơn A1 và nhóm 3 là nhóm Tháp thế kỷ XI - XIII với phong cách Bình Định. Ba phong cách mang ba ngôn ngữ tạo hình chủ đạo : Nhóm 1 khỏe khoắn trong trang trí và trong hình dáng cục mịch vuông vức, nhóm 2 thanh tú, trang nhã trong đường nét và hài hòa trong tỷ lệ, nhóm 3 thì đường bệ trong mảng khối…

Ngoài các khu kiến trúc phục vụ cho Bà la môn giáo và Ấn Độ giáo, Chăm pa còn một khu kiến trúc và điêu khắc rất quan trọng là khu Phật giáo Đồng Dương, (Quảng Nam). Đồng Dương theo tiếng Chăm là Indrapura, được xây dựng vào năm 875 dưới triều vua Indravarman II mà bia ký mô tả là một "thành phố được trang hoàng lộng lẫy đẹp như thành phố của Indra". Đây là một tổng thể kiến trúc nằm trên một ngọn đồi cao 500m, có chiều dài từ tây sang đông là 1330 m. Trong thung lũng còn lại rất nhiều dấu vết của những ngôi chùa hay những tu viện Phật giáo. Theo bia ký tìm thấy ở Đồng Dương, tu viện Phật giáo này xây dựng để thờ Lasmindra Lokesvara. Rất tiếc là khu di tích tu viện Phật giáo này đã không được tồn tại cùng với thời gian.

Trong vòng 8 thế kỷ, người Chăm đã xây đựng rất nhiều đền tháp với những phong cách khác nhau, tháp và những phế tích tháp còn lại hôm nay là rất ít ỏi so với những gì đã có nhưng vẫn là những viên ngọc quí của nền kiến trúc cổ Việt Nam và Đông Nam Á. Cùng với tôn giáo là sự giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ở Đông Nam Á có 3 nền điêu khắc mang tầm cỡ thế giới là Giava, Khơme và Chăm. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá những bức tượng cổ Chămpa. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ thuật đều công nhận vẻ đẹp lạ kỳ và độc đáo của phong cách nghệ thuật Đồng Dương, một phong cách được đánh giá là rất Chăm.

Nghệ thuật điêu khắc Chămpa được đánh giá là nghệ thuật ấn tượng nhiều hơn là tả thực. Đây là một đặc điểm tạo nên vẻ đẹp độc đáo và riêng có ở nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa và có đóng góp lớn cho nghệ thuật điêu khắc ở khu vực Đông Nam Á.
Phan Quốc Anh
Bảo Vân

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét