Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Tuong nha mo dang mai mot y nghia van hoa

(VOV) - Tượng gỗ, tượng nhà mồ là những người hầu để "đưa đường" cho những linh hồn đã khuất được vui vẻ cùng với Yang - Atau (ông bà, tổ tiên).
Tượng Nhà mồ Tây Nguyên có nguy cơ biến mất

Khi bắt đầu bước chân vào "thế giới bên kia", những người con của làng cũng cần được chia phần của cải, những vật dụng thiết yếu nhất để sinh hoạt, cũng như cần đến sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu như khi đang còn sống.

Chính vì thế, để giúp người sang thế giới bên kia được vui vẻ cùng với Yang - Atau (ông bà, tổ tiên), những bức tượng gỗ, tượng nhà mồ chính là những người hầu để "đưa đường" cho những linh hồn đã khuất.

Bí ẩn nhà mồ

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi theo chân già làng Rơ Châm Nglun ở làng Kép I, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai) tới thăm khu nhà mồ tại làng Kép I, làng Kép II nằm phía cuối làng. Cách trụ sở UBND xã Ia Mơ Nông khoảng chừng 500 m về phía Tây Bắc, đi qua những ngôi nhà sàn xinh xắn nép mình bên con đường đất trải dài, Rơ Châm Nglun dẫn đi tham quan quang cảnh của làng và giới thiệu một vài nét về phong tục tập quán cũng như đời sống sinh hoạt của bà con Jrai nơi đây.

Quang cảnh nhà mồ làng Kép I

Am hiểu tường tận các thiết chế văn hóa của làng, già Rơ Châm Nglun cho biết: "Linh hồn của người Jrai chính là khu vực nhà mồ, bởi đó là nơi bắt đầu cho một cuộc sống mới ở thế giới khác".

Dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch. Không gian trầm lặng càng làm cho những bức tượng gỗ có hồn, có cảm xúc đặc biệt, với các cung bậc cảm xúc, lòng tiếc thương như của người sống đối với người đã khuất.

Các tượng gỗ với rất nhiều hình tượng phong phú, đa dạng về cách thể hiện xung quanh quan niệm về sự sinh thành. Một cặp tượng trai gái đang giao hoan, bên cặp tượng trai gái đó là tượng người đàn bà đang mang thai, còn các góc quanh rào là tượng những hài nhi đang ngồi khóc trong hoài tưởng…

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về tượng nhà mồ, đó chính là nơi gìn giữ mối quan hệ ràng buộc giữa sự sống và cái chết, được hình tượng hóa một cách mộc mạc thông qua hình dáng con người trong sinh hoạt thường ngày, những con vật gần gũi với đời sống thường nhật với mong muốn theo hầu hạ, bầu bạn với người chết ở thế giới bên kia.

Với cộng đồng nơi đây, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới của Yang – Atau (ông bà, trời đất).

Với trí tưởng tượng cũng như những quan niệm đã có từ lâu, những bức tượng nhà mồ được tạo nên đều lấy hình ảnh từ cuộc sống thường ngày, rất gần gũi và thân quen. Như một số tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống. Tượng người đánh trống đánh chiêng thể hiện không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…

Già làng Rơ Châm Nglun bày tỏ: "Người làng chúng tôi xem đó là tất cả tình cảm như khi người thân còn sống, vì thế họ cũng cần được sẻ chia của cải vật chất và tinh thần. Đây là tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia".

Nỗi buồn tượng gỗ

Mặc dù mang ý nghĩa tâm linh dọc theo suốt hành trình cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây, nhưng tượng nhà mồ hiện đang dần thay đổi. Trong mô típ của một số tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống, tượng người đánh trống đánh chiêng thể hiện không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay nhóm tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết... nay đã không còn.

Những thân tượng đang bụ mục nát vì nắng gió

Thời gian gần đây, những thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số phần nào tác động đến quan niệm nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nghệ nhân dân gian hiện nay thích làm cho tượng của mình giống với thực tế cuộc sống hơn nên vô tình đánh mất tính trầm tư, khái quát và hoành tráng vốn có của tượng nhà mồ. Nội dung thì ngày càng nhiều thêm, trong khi đó tính nghệ thuật lại ngày một mất đi...

Một điều khác cũng không kém phần quan trọng khi tượng nhà mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong những ngày lễ hội mà thôi. Cứ thế, chỉ sau lễ bỏ mả, tượng mồ dần dần bị lãng quên và năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng, tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất.

Chính phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tượng nhà mồ mất dần ý nghĩa văn hóa trong đời sống cộng đồng. Mặc dù sau giờ phút huy hoàng của lễ Pơthi (lễ bỏ mả) được thể hiện trong đời sống cộng đồng, nhưng cùng với thời gian với năm tháng, nắng mưa đã làm những bức tượng gỗ mục nát, tan biến vào với đất.

Dẫu biết rằng với cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, tượng nhà mồ đã trở thành một nét văn hóa tâm linh không thể tách biệt, gắn chặt với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhưng nhìn những bức tượng đang dần mục nát kia, nhiều người không khỏi cảm thông cho nỗi buồn của những thân tượng mang ý nghĩa tâm linh dọc theo suốt hành trình cuộc sống ở thế giới hư vô.

Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Châm Sui, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông cho biết: Xã Ia Mơ Nông có 6 thôn làng nhưng làng Kép I là một trong những làng được huyện chọn là làng du lịch. Trước đây, khu này chọn làm lễ Pơ thi, cúng giọt nước…

Ước tính từ đầu năm đến nay, làng du lịch Ia Mơ Nông đã tiếp đón 21 đoàn du lịch cả trong nước và quốc tế với hơn 450 lượt khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Tin rằng trong thời gian tới, cùng với việc nâng cấp, tôn tạo làng Kép I sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

Hy vọng rằng, tượng nhà mồ vẫn mãi là một nét văn hóa tâm linh riêng biệt, không thể trộn lẫn của cộng đồng nơi đây./.


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét