Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Can ngan chan mot thu choi pha rung

Chiều 30 Tết ở Hà Nội, hầu như tất cả những nơi trước Tết có bày bán đào và quất đều trở nên vắng vẻ. Ở đó, chỉ còn lại những cây đào, cành đào nằm chỏng chơ; những cây quất lúc lỉu quả bị vứt lại trên hè phố, hay dưới lòng đường.

Dường như thời tiết thất thường, tình trạng thiếu khả năng dự báo nhu cầu của người tiêu dùng và cả thói quen 'nói thách' với giá cao ngất ngưởng,... đã đưa tới một hệ quả là, sản phẩm của bao ngày một nắng hai sương đã bị bỏ phí. Và có một điều đáng nói là, xen lẫn giữa đào và quất bị vứt bỏ, còn có vô số cành đào rừng cũng chung số phận. Những cành hoa của núi rừng đông bắc, bị khai thác bừa bãi trong những ngày trước Tết, được xếp đầy trên những chiếc ô-tô tải chở về xuôi, nay chỉ còn là đống cành cây khô héo.

Mấy năm nay, từ ngày cành đào rừng trở thành nhu cầu trong trang trí ngày Tết của nhiều gia đình, đã diễn ra một thực tế là, để đáp ứng nhu cầu đó, một số người đã khai thác như 'tận diệt' những rừng đào tự nhiên ở vùng núi cao. Để mỗi khi xuân về, các rừng đào tự nhiên trở nên tan hoang, xơ xác, và cây đào lại thêm một lần phải gắng gượng vượt lên để làm đẹp cho đời, góp phần phủ xanh mặt đất. Từ việc khai thác đào rừng, nhìn rộng ra, trong thời gian gần đây, một số người lại có sở thích tìm mua một số loại cây cảnh cổ thụ về trồng. Lập tức có người vào rừng để 'lùng' loại cây này, và rồi, họ tàn phá rừng một cách không thương tiếc. Nhiều cánh rừng đã bị cày nát đầy các hố sâu do khai thác cây cảnh. Tiếng máy đào đất, tiếng cuốc xẻng rộn ràng, từng đoàn người thi nhau đào gốc cổ thụ. Để lấy được một cây cảnh cổ thụ to cỡ hai người ôm, người ta phải triệt hạ hàng trăm cây khác chung quanh. Kiểu phá rừng tìm cổ thụ còn đáng sợ hơn lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Vậy là, không chỉ việc khai thác gỗ bừa bãi, phát nương làm rẫy,... mà một 'thú chơi' của con người cũng góp phần tàn phá rừng, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái.

Việc phá rừng chỉ để đáp ứng 'thú chơi' của một số người rất cần phải phê phán. Muốn giải quyết tận gốc tình trạng này, ngoài việc mỗi người cần nâng cao ý thức văn hóa, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Bởi lẽ, các cành đào, các cây cảnh cổ thụ sẽ không thể ra khỏi rừng, nếu có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn kịp thời, tại chỗ.

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét